Các phiên bản T-72

So với nhiều đồng sự của Liên Xô, T-72 có rất rất nhiều phiên bản. Và, như đã nói, ngoài Liên Xô, một số quốc gia khác như Tiệp Khắc, Ấn Độ, Ba LanNam Tư cũ cũng tham gia sản xuất T-72 theo kiểu riêng của mình[4]. Nhiều phiên bản "nhái" T-72 được chế tạo có hoặc không có giấy phép trong quân đội nhiều quốc gia, các nước có mua T-72 cũng tự nâng cấp chúng theo khả năng của mình, từ đó sinh ra vô số phiên bản T-72 khác nhau: Iraq có T-72 Sư tử Babylon, Nam Tư có M-84, Ấn Độ có Ajeya, Nam Phi có gói nâng cấp T-72 Tiger và Syria có T-72 Adra, Pakistan có Al-Khalid...

- Năm 1994, Slovakia đã phối hợp với Pháp cải tiến phiên bản T-72M1 thành phiên bản T-72M1A và T-72M2 với hệ thống điều khiển hoả lực mới EFCS3-72, thay trọng liên phòng không 12,7mm bằng pháo 20mm hoặc 30mm.[cần dẫn nguồn]

- Israel cũng đã trang bị hệ thống dẫn đường định vị toàn cầu GPS cho xe tăng T-72, nâng công suất động cơ lên 1000 sức ngựa, có thiết bị ảnh nổi bằng la-de TKN-3B và có các súng phóng lựu đạn khói ngụy trang.[cần dẫn nguồn]

- Nga đã cung cấp cho Ấn Độ bản thiết kế nâng cấp cho loại xe tăng T-72M1 đạt tính năng hiện đại như của xe tăng T-72S.[cần dẫn nguồn]

Liên Xô-Nga

T-72 Ural phiên bản đầu tiên, ra đời năm 1973
  • T-72 Ural (1973): Nguyên mẫu T-72. Dùng giáp thép đơn khối và động cơ 780 mã lực.
    • T-72K: Mẫu T-72 dùng cho chỉ huy. Trang bị thêm radio R-130M. Các phiên bản chỉ huy đại đội được trang bị hai radio R-123M/R-173 bổ sung và cũng mang theo cột ăng ten 10 m. Các phiên bản chỉ huy tiểu đoàn và trung đoàn được trang bị hai radio R-123M/R-173 bổ sung và R-130M sử dụng ăngten 10 m khi được dựng lên. Trong mã NATO, T-72K được đại diện bởi ba tên gọi khác nhau: T-72K1, T-72K2 và T-72K3, đại diện cho 3 phiên bản chỉ huy của đại đội, tiểu đoàn và trung đoàn.
    • T-72E (Ob'yekt 172M-E, Ob'yekt 172M-E1): Mẫu T-72 Ural dùng để xuất khẩu, trang bị pháo 125 mm D-81T với 44 viên đạn. Nó được bán cho Iraq và Syria và cũng được chế tạo ở Ba Lan. Có thể thay pháo 125mm bằng loại 120mm giống như xe tăng của Mỹ và Tây Âu.
    • T-72 Ural cải tiến (1980): bộ phận nhìn đêm bên phải nòng súng, bỏ thiết bị đo xa quang học TPD-2-49 để thay bằng thiết bị đi xa laser, và thêm các núm cao su bảo vệ.
  • T-72 "Ural-1" (Ob'yekt 172M1) (1976): pháo mới 2A46, giáp tháp pháo được thiết kế mới.
  • T-72V ("V" là vzryvnoi - "nổ"): nâng cấp không chính thức cho xe tăng T-72 Ural và T-72 Ural-1 bằng cách trang bị giáp phản ứng nổ Kontakt-1 cho thân xe và tháp pháo.
T-72A, ra đời năm 1979
  • T-72A (Ob'yekt 176) (1979): Mẫu cải tiến của T-72 Ural. Hệ thống đo xa quang học TKD-2-49 bị thay bằng hệ thống đo xa TPD-K1 dùng tia laser, thêm váy bảo vệ bánh xe, cải tiến giáp bảo vệ thùng nhiên liệu. Dùng giáp composite bảo vệ phía trước và nóc xe, về sau được trang bị thêm ở toàn tháp pháo (năm 1986), giáp cảm ứng, giáp chắn bùn, và nội thất có thay đổi. Khả năng phòng thủ của xe tăng được tăng cường đồng thời với việc lắp ở đằng trước tháp pháo 12 thiết bị phóng lựu đạn khói 902A “Tucha” và sử dụng hệ thống bảo vệ chống bom napal “Soda”. Kính ngắm bắn đêm chủ động được thay thế bởi kính ngắm đêm thụ - chủ động TPN-3-49. Tầm bắn đêm với kính ngắm này và đèn chiếu hồng ngoại L-4 “Luna-4” tăng lên đến 1.300 mét, trong chế độ thụ động là 800 mét. Năm 1984, T-72A có thêm lớp sơn chống radar. Các mẫu sau năm 1990 dùng động cơ V2S2 mạnh 840 mã lực. Sức mạnh hỏa lực được tăng cường bằng việc lắp pháo mới 2A46, khác với pháo D-81TM ở khả năng bắn chính xác và tuổi thọ nòng pháo cao hơn, có thể tháo lắp rất nhanh chóng trong điều kiện chiến trường mà không cần phải gỡ cả tháp pháo. T-72A có thể bắn tên lửa chống tăng có điều khiển qua nòng pháo AT-8 Songster vào ban ngày tại chỗ hoặc dừng ngắn. Tầm bắn tối đa của AT-8 là 4000 mét.
    • T-72A obr.1979g: Là T-72A được hàn thêm vào giáp trước thân xe 1 lớp thép cứng có độ dày 17mm.
    • T-72AV ("V" là Vzryvnoi - "nổ"): nâng cấp khả năng bảo vệ cho xe tăng T-72A bằng cách trang bị giáp phản ứng nổ Kontakt-1 cho thân xe và tháp pháo.
    • T-72AK: Mẫu T-72A dành cho chỉ huy, cơ số đạn giảm còn 36 viên để lấy chỗ cho các thiết bị chỉ huy.
    • T-72M (Ob'yekt 172M-E2, Ob'yekt 172M-E3, Ob'yekt 172M-E4): Mẫu T-72A bị cắt giảm tính năng để dành cho xuất khẩu. Giáp mỏng hơn so với T-72A (không có giáp composite), các thiết bị điều khiển hỏa lực và sức cơ động chỉ tương đương T-72 Ural. Được sản xuất ở Liên Xô, Ba Lan, Tiệp Khắc.
    • T-72M1 (Ob'yekt 172M-E5, Ob'yekt 172M-E6): Mẫu T-72A obr.1979g bị cắt giảm tính năng để dành cho xuất khẩu. Nó được trang bị thêm 12 ống phóng lựu đạn khói trên mặt trước tháp pháo (7 bên phải, 5 bên trái). Phiên bản này cũng được chế tạo ở Ba Lan và Tiệp Khắc.
T-72B của Nga với giáp ERA Kontakt-1
  • T-72B (1985): Phiên bản cải tiến sâu rộng từ T-72A. Giáp dày hơn và dùng giáp composite nhiều hơn ở nóc xe, phía trước xe và hông tháp pháo. Hệ thống điều khiển bắn kiểu mới 1A40-1, 9K120 cho phép bắn tên lửa chống tăng qua nòng pháo (loại 9M119 "Svir", mã NATO: AT-11 Sniper, có thể hạ mục tiêu ở xa 5 km), pháo 2A46M mới, hệ thống ngắm 1K13-49, hệ thống ổn định, động cơ V-84, giáp phản ứng nổ ERA. Hệ thống ống phóng đạn khói mù dời sang bên trái tháp pháo để có chỗ lắp giáp ERA loại Kontakt-1.
    • T-72BA ERA: trang bị 227 viên gạch ERA "Kontakt-1" cho thân xe và tháp pháo. Chúng thường được gọi không chính xác là T-72BV.
    • T-72B1 (Ob'yekt 184-1): Phiên bản T-72B bị cắt giảm tính năng để giảm giá thành chế tạo (không có khả năng bắn tên lửa chống tăng qua nòng pháo và sử dụng lại một số thiết bị của T-72A).
      • T-72B1MS "Đại bàng trắng" (Ob'yekt 184-1MS): Gói nâng cấp hỏa lực dành cho các xe T-72B1 lưu trữ trong kho của Quân đội Nga, ra mắt năm 2012. Sử dụng camera ảnh nhiệt thế hệ thứ 3 Catherine-XP của hãng Thales (Pháp) cho phép quan sát từ xa trong cả điều kiện ban đêm, hệ thống kính ngắm đa kênh quang ảnh nhiệt cho pháo thủ và trưởng xe Sosna-U do công ty Peleng của Belarus sản xuất. Xe cũng được lắp máy tính đường đạn và hệ thống theo dõi mục tiêu tự động, tích hợp tháp súng máy 12,7 mm điều khiển từ xa đi kèm camera hành trình. Động cơ có tùy chọn cho khách hàng là loại V-84MS công suất tối đa 840 mã lực thế hệ cũ hoặc V-92S2 đời mới hơn công suất 1.000 mã lực, hoặc loại V-92S2F công suất 1.130 mã lực. Giữ lại khẩu pháo 125mm nòng trơn 2A46M và vẫn được phủ bên ngoài bởi lớp giáp phản ứng nổ loại cũ Kontakt 1 (giống như T-72B). T-72B1MS không có giáp phản ứng nổ kiểu mới hơn như Kontakt-5 hoặc Relikt nên khả năng bảo vệ của nó vẫn giống như T-72B và thấp hơn đáng kể so với T-72B3 hoặc T-90S. Bù lại hệ thống điều khiển hỏa lực thì ngang bằng với T-72B3 và T-90S, và giá thành thì rẻ hơn 2 lần so với T-90S. Đã được xuất khẩu cho Nicaragua, Uruguay,Lào và Việt Nam
    • T-72S "Shilden" (T-72M1M1, Ob'yekt 172M-E8): Mẫu T-72B bị cắt giảm tính năng để dành cho xuất khẩu. Chỉ có 155 miếng gạch ERA loại Kontakt-1, hệ thống NBC đơn giản và không có lớp sơn chống sóng radar.
    • T-72BK (Ob'yekt 184K): Phiên bản xe chỉ huy của T-72B, có nhiều ăng-ten radio và một cột phát sóng dưới cột tháp pháo phía sau.
    • T-72B obr.1989g: T-72B trang bị giáp phản ứng nổ Kontakt-5 tiên tiến, bổ sung giáp composite ở hai bên tháp pháo. Thường được gọi là T-72BM hoặc T-72B (M) nhưng tên gọi này là không chính xác.
    • T-72BU (Ob'yekt 188): Ra mắt năm 1989, đó chính là T-90 phiên bản đầu.
T-72BA
    • T-72BA (Ob'yekt 184A/A1): Tên gọi này được sử dụng để chỉ một số chiếc T-72B được tân trang và nâng cấp một số thành phần cốt lõi tại Uralvagonzavod vào giai đoạn giữa 1998-2005. Có sự thay đổi đáng kể giữa các xe T-72BA, tuy nhiên, có một số tính năng phổ biến cho tất cả các mẫu T-72BA được nâng cấp: khung phía trước được gia cố chống lại mìn, chỗ ngồi của lái xe được nối với nóc xe thay vì được cố định xuống sàn, và người lái có hệ thống lái mới cũng như kính nhìn đêm TVN-5 mới. Những xe tăng này được trang bị động cơ V-84MS sử dụng hệ thống ống xả được nâng cấp (được sử dụng trên T-90A). Việc nâng cấp cũng bao gồm sự tích hợp của một cảm biến gió DWE-BS để đưa thông tin vào hệ thống điều khiển hỏa lực 1A40. Những xe được nâng cấp sau năm 2000 đã nhận được hệ thống kiểm soát hỏa lực 1A40-01M cải tiến, sử dụng một máy tính đạn đạo kỹ thuật số TBV. Các xe tăng cũng có thể bắn tên lửa chống tăng dẫn hướng bằng laser 9M119M Refleks thông qua việc sử dụng kính ngắm 1K13-19. Các xe tăng T-72BA được sản xuất năm 2005 có hệ thống kiểm soát hỏa lực 1A40-M2. Súng chính 2A46M nhận được một hệ thống ổn định 2E42-4 cải thiện đáng kể độ chính xác khi bắn trong lúc di chuyển. Khoảng 750 xe tăng đã được nâng cấp lên tiêu chuẩn T-72BA
T-72B2của Nga năm 2010T-72B3 trang bị hệ thống điều kiển bắn Sosna-U, năm 2014.T-72B3 năm 2016
    • T-72B2 Rogatka obr.2006g (Ob'yekt 184M): Phiên bản thử nghiệm, ra mắt năm 2006, một số tài liệu còn gọi là T-72BM Rogatka, cải tiến từ T-72B. Áp dụng nhiều công nghệ của T-90A: Pháo chính 2A46-M5, hệ thống điều khiển bắn mới, kính ngắm ảnh nhiệt, động cơ V-92S2 1.000 mã lực, mang giáp phản ứng nổ "Relikt" thế hệ 3 (mạnh gấp đôi giáp ERA Kontakt-5). Xe được trang bị hệ thống ngụy trang "Nakidka" để làm giảm khả năng bị đối phương phát hiện. Nakidka gồm các tấm phủ làm bằng vải quét vật liệu hấp thụ radar (RAM), cũng như làm giảm các tín hiệu hồng ngoại, ảnh nhiệt mà xe tăng phát ra (Theo NII Stali (Viện nghiên cứu khoa học thép), Nakidka làm giảm 30% khả năng bị phát hiện bởi ống nhòm quang học, giảm 2-3 lần khả năng bị phát hiện bởi thiết bị quan sát hồng ngoại, giảm 6 lần tín hiệu radar, và giảm tín hiệu ảnh nhiệt xuống mức gần bằng môi trường xung quanh). Bộ nạp đạn tự động cũng được sửa đổi thích hợp để chứa các loại đạn chống tăng APFSDS có thanh xuyên dài hơn (lên tới 730 mm) và mạnh hơn: Svinets-1 (sử dụng lõi xuyên uranium nghèo) và Svinets-2 (sử dụng lõi xuyên vonfram), được đưa vào hoạt động năm 2002 và có khả năng xuyên thủng tương ứng là 740–800mm và 660–740mm thép RHA ở cự ly 2.000 mét. Phiên bản này chỉ được chế tạo vài chiếc để thử nghiệm.
    • T-72B3 (Ob'yekt 184-M3): Ra mắt năm 2010, phiên bản sản xuất hàng loạt sau khi đã chỉnh sửa từ T-72B2. Về cơ bản là giống T-72B2, nhưng bị cắt giảm bớt một số thiết bị mới để giảm chi phí nâng cấp, ví dụ như vẫn sử dụng giáp phản ứng nổ Kontakt-5, vẫn sử dụng động cơ 840 mã lực giống như T-72B, chỉ huy xe tăng vẫn giữ lại kính tiềm vọng TKN-3MK cũ với phạm vi quan sát chỉ vài trăm mét vào ban đêm (nhưng được tăng cường với một màn hình hiển thị ảnh nhiệt từ kính ngắm của xạ thủ). Một số chi tiết ở hệ thống điều khiển hỏa lực cũng được sửa đổi, bao gồm hệ thống Sosna-U - sử dụng camera ảnh nhiệt Catherine-FC do Belarus sản xuất theo giấy phép của hãng Thales (Pháp), có thể nhận dạng một mục tiêu xe tăng ở cự ly lên tới trên 10.500 mét vào ban ngày và 3.300 mét vào ban đêm, trong mọi điều kiện thời tiết. Nga sản xuất T-72B3 với mục đích chính là duy trì hoạt động của các đơn vị xe tăng T-72B cho tới khi chúng được thay thế bằng dòng xe tăng thế hệ tiếp theo T-14 Armata. T-72B3 có tính năng chiến đấu gần bằng T-90A trong khi giá thành rẻ hơn rất nhiều. Do ưu thế giá thành, quân đội Nga đã ngừng đặt mua T-90 kể từ năm 2014 để chuyển sang nâng cấp khoảng 1.000 chiếc T-72 theo phiên bản này.
    • T-72B3M hoặc T-72B4 (2016): Gói nâng cấp T-72B4 được tiết lộ lần đầu trong trận chung kết giải đua xe tăng Tank biathlon năm 2014. Năm 2016, Bộ Quốc phòng Nga thông qua kế hoạch nâng cấp 150 chiếc T-72B lên tiêu chuẩn T-72B4. Đây là phiên bản cải tiến hơn nữa so với T-72B3, gồm: thay thế giáp phản ứng nổ thế hệ 2 (Kontakt-5) bằng loại giáp phản ứng nổ thế hệ 3 là Relikt. Thiết bị thông tin vô tuyến mới. Nâng cấp đáng chú ý nhất là thiết bị quan sát toàn cảnh PK PAN cho trưởng xe, có thông số kỹ thuật tương tự với Sosna-U trên T-72B3, nhưng sử dụng toàn bộ các linh kiện do Nga sản xuất. Nâng cấp này bao gồm việc bổ sung camera quan sát toàn cảnh trang bị hệ thống ảnh nhiệt cho trưởng xe được gắn ở giữa nóc tháp pháo (đây là đặc điểm dễ nhận ra nhất khi phân biệt T-72B4 với T-72B3). Tăng cường bảo vệ chống lại mìn, hệ thống chữa cháy mới. Hiệu suất cơ động của xe tăng cũng được cải thiện với động cơ V-92S2F mạnh mẽ hơn với công suất 1.130 mã lực (830 kW) cùng với hệ thống truyền động cản tiến, hộp số tự động. Mức giá để nâng cấp T-72 lên chuẩn T-72B3M vào khoảng 250.000 USD/xe (thời giá 2016)[32], chỉ bằng 1/12 giá một chiếc T-90M mới, trong khi khả năng chiến đấu thì gần tương đương. Bộ Quốc phòng Nga đã có kế hoạch nâng cấp hàng ngàn xe tăng T-72 lên chuẩn T-72B3M. Gói nâng cấp T-72B4 cũng được hợp tác với Belarus, đưa nước này trở thành quốc gia ngoài Nga đầu tiên được trang bị phiên bản hiện đại này.
  • BMPT : Phương tiện chiến đấu hỗ trợ tăng. BMPT được thiết kế trên cơ sở của xe tăng T-72. Xe được thiết kế để hỗ trợ bộ binh và hộ tống xe tăng. Vỏ giáp gồm thép-composite-phản ứng nổ. Các thông số chính của BMPT: khối lượng chiến đấu 47 tấn, tổ lái: 5 người, động cơ diesel V-92S2 1.000 mã lực, vận tốc tối đa: 65 km/h, hành trình 550 km. Vũ khí gồm: 2 pháo tự động 2A42 30mm với 850 viên, súng máy PKTM 7.62mm với 2000 viên đạn, 2 súng phóng lựu AH-17D cỡ 30mm với 600 viên đạn, 4 ống phóng tên lửa chống tăng 9M120 Ataka-T. Ngoài ra xe còn còn có thể gắn thêm hệ thống bảo vệ chủ động và thụ động.

Ấn Độ

Ajeya phiên bản MK2T-72 Ajeya của Ấn Độ
  • Ajeya MK1 - Phiên bản Ấn Độ của T-72M. Giống như đối với T-90S, bên cạnh nhập khẩu các xe tăng từ Liên Xô, Ấn Độ cũng cố gắng tự chế tạo một đội ngũ T-72 cho riêng mình và đặt cái tên là Ajeya. 900 xe tăng T-72 Ajeya MK1 được chế tạo tại một nhà máy nằm tại vùng Avadi và đến năm 1993 chúng được nâng cấp lên chuẩn T-72M1 của Liên Xô cũ.[33]
  • Ajeya MK2 - Phiên bản Ấn Độ của T-72M1, còn được gọi là Xe tăng chiến đấu Ajeya cải tiến (Combat Improved Ajeya). Vì tập trung sức lực vào mẫu tăng thuần nội địa Arjun nên suốt một thời gian dài các xe tăng T-72 Ấn Độ không được nâng cấp. Tuy nhiên, sau đó kế hoạch về Arjun bị đình trệ vì quá nhiều khó khăn phát sinh và kết quả là Ấn Độ tiến hành Chiến dịch Rhino nhằm nâng cấp cho 1500 xe tăng T-72M1, và các xe tăng này trở thành Ajeya MK2. Chương trình nâng cấp bao gồm việc bổ sung hệ thống điều khiển bắn/thiết bị nhìn hồng ngoại SKO-1T DRAWA-T của Ba Lan, cung cấp bởi hãng PCO/Cenzi (hệ thống này lấy từ xe tăng PT-91 Twardy); giáp phản ứng DRDO; hệ thống định hướng dành cho Tamam của Israel; Litef của Đức hay RDI của Nam Phi; hệ thống đèn báo nguy sản xuất trong nước; radio kiểu mới chế tạo bởi Tadidran hay GES Marconi và hệ thống bảo vệ NBC cải tiến. Ajeya MK2 còn trang bị động cơ S-1000 công suất 1000 mã lực (750 kW) chế tạo bởi hãng PZL-Wola của Ba Lan (động cơ này cũng được trang bị cho PT-91 Twardy). Nó cũng được trang bị một fire detection and suppression systems và thiết bị cảnh báo bằng laser ở hai bên tháp pháo. Các nguồn tin Ấn Độ cho rằng có khoảng 1800-2000 T-72M1 được nâng cấp toàn diện, số còn lại sẽ chỉ được nâng cấp một phần.[33]
  • Tank EX - Phiên bản thử nghiệm của Ấn Độ, kết hợp giữa tháp pháo của xe tăng Arjun với thân của T-72

Iraq

Dưới thời Saddam Hussein, Iraq đã tự chế tạo phiên bản T-72 của mình với tên gọi T-72 "Sư tử Babylon", dựa theo mẫu T-72M mua được từ Đông Âu, kết hợp với một số linh kiện điện tử nhập của Trung Quốc. Phiên bản này cũng sử dụng pháo 125mm, nhưng thiếu các thiết bị nhìn đêm, máy đo xa và máy tính đường đạn. Phiên bản T-72 này được đánh giá là yếu hơn so với T-72M nguyên bản (chưa nói tới các phiên bản T-72 cao cấp dành riêng cho quân đội Liên Xô), tuy vậy nó vẫn trội hơn nếu so với những chiếc xe tăng M48 Patton, M60 của nước đối thủ là Iran. Theo nguồn Nga, khoảng 100 chiếc Sư tử Babylon đã được chế tạo trước khi dây chuyền chấm dứt hoạt động do Iraq bị cấm vận vũ khí.[cần dẫn nguồn]

Đầu thập niên 2010, theo Nhật báo tin tức quốc phòng Mĩ đưa tin, Iraq đang lên kế hoạch cải tiến hơn 2.000 xe tăng T-72 vừa mua từ các nước Đông Âu. Tập đoàn Defense Solutions of Exton, Pa của Mĩ sẽ đảm nhận việc tháo khung và tiến hành lắp đặt các thiết bị mới cho số xe tăng này. Tim Ringgold - Tổng giám đốc Defense Solutions of Exton, Pa nói: "Chúng tôi sẽ tiếp nhận tất cả những chiếc xe tăng theo hợp đồng sau đó sẽ tháo toàn bị "nội thất" bên trong và thay thế chúng bằng những trang bị hiện đại. Sau khi hoàn thành số tăng chiến trường có từ thời kỳ Liên Xô này sẽ có khả năng chiến đấu trong cả điều kiện ban đêm và ban ngày" – Ông Tim Ringgold nói thêm.[cần dẫn nguồn]

Tổng giám đốc Defense Solutions of Exton, Pa cho biết ông hy vọng sẽ nhận được hợp đồng yêu cầu chính thức từ phía các quan chức của chính quyền Iraq về thương vụ quy mô lớn này trong tương lai gần.

Chiến tranh ở Iraq tái bùng nổ dữ dội vào năm 2014. Không rõ hợp đồng nâng cấp T-72 của Iraq được tiến hành tới đâu, nhưng Iraq đã đặt mua khoảng 200 chiếc T-90SM vào năm 2017.

Pakistan

Al-Khalid là sản phẩm hợp tác giữa Pakistan và Trung Quốc. Nó cũng có cơ chế nạp đạn tự động. Trang bị giáp liên hợp và phản ứng nổ. Hệ thống ngắm bắn có nguồn gốc phương Tây, hoàn toàn vi tính hóa. Al Khalid có bộ nguồn phụ trợ, cung cấp điện khi động cơ không hoạt động. Nó có hệ thống cảnh báo laser tiên tiến.[cần dẫn nguồn]

Al Khalid cũng được trang bị pháo 125mm, cơ số đạn 39 viên. Thân và tháp pháo đều dùng hàn, không sử dụng đinh rivet. Xe được bảo vệ khỏi phóng xạ và sinh hóa, cùng với hệ thống dập lửa. Ngoài ra, nó có hệ thống bảo vệ chủ động bằng laser, dùng tia laser để làm 'lóa' cảm biến nhiệt của tên lửa, cũng như làm tổn thương mắt của đối phương nếu chiếu vào thiết bị quang học. Khung gầm của nó cũng gần như giống với T-72. Động cơ Diesel 1200 mã lực.[cần dẫn nguồn]

Xe nặng 48 tấn, tổ lái 3 người, tốc độ tối đa 65 km/h, tầm hoạt động 450–600 km. Vượt dốc 40%, chướng ngại vật cao 0.8m, hào rộng 3m, lội nước 1.2m, 5m nếu có trang bị ống thông khí.

Hợp đồng mua thiết bị xe tăng do Islamabad ký với Ukraina có tổng trị giá 100 triệu USD. Theo đó, Pakistan sẽ nhập 285 động cơ và hệ thống truyền động để nâng cấp các xe tăng al-Khalid hiện thời, trong khoảng thời gian 3 năm. Xe tăng al-Khalid được Trung Quốc và Ukraina hợp tác sản xuất và bán cho quân đội Pakistan. Theo hãng tin ITAR-TASS, loại động cơ mới trên có công suất 1.200 mã lực. Nó sẽ cho phép al-Khalid di chuyển với vận tốc tối đa 65 km/h. Trong khi đó, Giám đốc trung tâm nghiên cứu quốc phòng Ukraina Valentin Badrak tiết lộ, nước ông chỉ cung cấp máy móc và thùng chứa nhiên liệu cho xe tăng al-Khalid của Pakistan. Ông cũng khẳng định hợp đồng này không hề làm thay đổi cán cân quân sự hiện nay tại khu vực Nam Á. Giữa những năm 1990, Ukraina đã bán 320 xe tăng T-80UD (T-84), do Liên Xô cũ thiết kế, cho Islamabad. Hành động đó khiến Ấn Độ phải xem xét việc mua xe tăng T-90 của Nga để lấy lại cân bằng quân sự.[cần dẫn nguồn]

Trung Quốc

Type-96 là loại cuối cùng trong chương trình xe tăng thế hệ hai của TQ. Phiên bản thử nghiệm mang tên Type-85. Xe được trang bị pháo nòng trơn 125mm, cơ chế nạp đạn tự động, cả hai đều copy từ T-72 của Nga. Tốc độ bắn tối đa 8 viên/phút, tổng số đạn 41 viên. Nó có khả năng phóng tên lửa chống tăng từ nòng súng, ví dụ như AT-11 của Nga mà TQ có bản quyền để sản xuất, nhưng chỉ dùng được khi xe tăng đứng yên, có 1 súng máy PK 12,7mm và 1 súng máy đồng trục 7,62mm. Nặng 42,5 tấn. Type-96 bắt đầu được đưa vào trong biên chế từ năm 1997, khoảng 1.500-2.000 chiếc đã được sản xuất. Nó có thể dùng để chống trực thăng. Tầm bắn 4–5 km. Các thông số về khả năng cơ động gần giống Al-Khalid.